in the future - u will be able to do some more stuff here,,,!! like pat catgirl- i mean um yeah... for now u can only see others's posts :c
Review Ant-Man and The Wasp: Quantumania
Để giữ bản thân tránh khỏi việc có thiên kiến không tốt về một bộ phim, mình luôn tạo thói quen không đọc review của critics nước ngoài trước khi ra rạp xem phim, và thật là không thể đúng đắn hơn với trường hợp của Kiến Người. Đây là phần phim hay nhất của Kiến Người vì hai phần trước có chất lượng quá tệ, khán giả xem phim vì Thế Giới Lượng Tử sau khi nuốt xong 2 phần đầu tiên cũng chả biết gì thêm.
Không phải lo về chất lượng kỹ xảo hình ảnh khi Quantumana đã trả lời các khán giả câu hỏi: Đội ngũ VFX của Marvel Studios đang làm cái quái gì nửa năm gần đây vậy ? À hóa ra họ dồn sức làm Lượng Tử Giới.
Quantumana dựa theo khuôn mẫu của một phim siêu anh hùng PHẦN TIẾP THEO điển hình, bao gồm: Giới thiệu khủng hoảng của siêu anh hùng => Tạo ra xung đột mang tính lâu dài => Khiến mâu thuẫn với phản diện mang tính cá nhân => Siêu anh hùng sẽ thất bại => Giải quyết khủng hoảng => ĐKM phản diện luôn. Xem Ant-man vì vậy các bạn sẽ có cảm giác phim này quen quen, mình đã từng xem ở đâu đấy rồi =))
Đáng tiếc là bộ phim tuy giới thiệu nhân vật Kang là phản diện lớn nhất của phase thứ 5, tuy nhiên lại không khiến hắn làm được những điều như Thanos đã làm ở cuối Infinity War - mang đến sự lo sợ cho khán giả về số phận của các siêu anh hùng.
Ok, Ant-man phần 3 không phải một bộ phim hay đến mức PHẢI XEM, thế nhưng chấm nó dưới con mắt của nhà phê bình khó tính nhất cũng chả thể nào dưới 6 điểm. Thôi nào, các nhà phê bình kỳ vọng gì hơn từ một bộ phim siêu anh hùng?
Mình chấm nó 7 điểm, xem giải trí vui mà. Ai muốn trải nghiệm điện ảnh thực sự thì có thể ra rạp coi Babylon, The Fabelmans, Titanic. Ai thích nói chuyện với bố mẹ thì xem Nhà Bà Nữ.
134 - 7
Chuyện quái gì đang xảy ra với Phase 4 vậy?
Đó là câu hỏi mà mỗi khán giả đã theo dõi MCU từ những ngày đầu tiên phải đặt ra, sau khi chứng kiến lần lượt những bộ phim điện ảnh và tv series thuộc giai đoạn 4 ra mắt.
Sự khó hiểu nhất chính là dù đã ra mắt 7 bộ phim điện ảnh + 11 tv series trong giai đoạn 4, chúng lại sở hữu quá ít mối liên hệ với nhau và với tương lai của MCU. Thay vì kiến tạo nên một vũ trụ gắn kết, Marvel Studios đang tự làm khó mình với những câu chuyện rất tào lao và thừa thãi, thứ họ hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Ví dụ như sau khi kết thúc series Loki, Sylvie đã tiễn He Who Remains (kẻ cai quản dòng thời gian thiêng liêng) về với đất mẹ. Dòng thời gian từ đây bị phân nhánh và ảnh hưởng cực kỳ lớn tới cách mà đa vũ trụ vận hành, vì vậy khán giả đã vô cùng háo hức để đợi chờ sự liên quan giữa Loki và Doctor Strange in the Multiverse of Madness.
Và bùm... Chả có gì. Không một lần được nhắc đến. Đến bây giờ khán giả vẫn chưa nhận thấy được hậu quả của việc giết He Who Remains là gì. Marvel Studios cố mở rộng những câu chuyện mang tính cá nhân cực cao của các nhân vật, thế nhưng mỗi câu chuyện lại đi theo một hướng riêng và phát triển theo những con đường vô cùng đa dạng, khiến khán giả không hiểu họ đang được dẫn đi đâu.
Mãi đến khi dự án cho giai đoạn 5 và 6 được công bố đầy đủ, hóa ra toàn bộ Phase 4 thuộc một thứ gọi là Multiverse Saga và nó đang dẫn dắt người xem đến hai sự kiện lớn là Avengers: The Kang Dynasty và Avengers: Secret Wars. Thế nhưng rõ ràng là sau khi bộ phim cuối cùng của giai đoạn 4 kết thúc, những câu chuyện cá nhân của các nhân vật hầu như không có tác động trực tiếp đến bức tranh tổng thể.
Nhiều người so sánh giai đoạn 4 này như giai đoạn 1 của MCU, sau cuộc chiến với Thanos thì cần một khoảng thời gian để giới thiệu những nhân vật mới và một câu chuyện mới => vậy nên sự xuống dốc của giai đoạn 4 là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên hãy nhớ rằng giai đoạn 1 của MCU kết thúc với bộ phim The Avengers, vâng, ít ra các siêu anh hùng thời điểm này chiến đấu có mục đích chung. Nó khiến khán giả nhận ra rằng họ đang xem một vũ trụ điện ảnh có sự liên kết, chứ không phải chỉ là một mớ hỗn độn như hiện tại.
Ant-Man and the Wasp: Quantumania chuẩn bị được ra rạp và dường như nó là bộ phim đầu tiên có sự liên quan đến hai sự kiện lớn nhất của MCU sau này. Để chuẩn bị hành trang cho các bạn trước khi ra rạp, mình đã có một video về tất tần tật những điều bạn cần biết trước khi ra rạp xem Ant-Man 3 ^^ Các bạn xem hết video nha!
224 - 8
Hiện tại mình đang muốn làm video dài về những chủ đề sau, mọi người vote giúp mình các bạn hứng thú với ý tưởng nào trước nhé
240 - 7
Phản Địa Đàng (Dystopian) là gì ? Áp dụng trong phim ra sao ? Cụ thể là những phim nào ?
ĐỊNH NGHĨA VÀ VÍ DỤ VỀ DYSTOPIAN ?
Yếu tố DYSTOPIAN hay Phản Địa Đàng đã xuất hiện ít nhất là từ cuối thế kỷ 19. Một trong những tiểu thuyết nổi tiếng thời kỳ đầu là The Iron Heel (1908) của Jack London, tiên tri về sự phân chia giai cấp cực đoan và chế độ phát xít trong thế kỷ 20. Nói chung, Phản Địa Đàng diễn tả một xã hội hoặc một thế giới tưởng tượng diễn ra trong một tương lai gần với chiều hướng cực đoan và đầy những sự đáng sợ. Có thể con người sẽ phải biến chất và dẫm đạp lên nhau để có thể sinh tồn.
Phản địa đàng thường phản ánh thực tế xã hội chính trị đương thời và ngoại suy các tình huống xấu nhất. như cảnh báo cho sự biến chất của xã hội cũng như phải thận trọng với nó. Những tác phẩm thể loại này thường mang lý tưởng và niềm tin về tương lai của người nghĩ ra nó, phản ánh nỗi sợ của họ về tương lai.
Ý NGHĨA
Chúng ta yêu thích những phim thể loại này là bởi nó tạo một cảm giác như một lời tiên tri. Đúng là con người đang dần đạt được những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, khám phá ra cả những hành tinh mới cách cả ngàn năm ánh sáng. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ không chịu ảnh hưởng như những nền văn minh của tổ tiên ngày trước. Cho nên sự sụp đổ có lẽ là hiện tượng bình thường cho các nền văn minh, bất kể chúng có kích cỡ, quy mô ra sao. Chúng ta luôn bị cuốn hút và sợ hãi bởi những tương lai có thể sẽ xảy ra, đặc biệt là khi nhân loại đang dần nhận thức được rằng mọi thứ đang dần trở nên tồi tệ hơn…
"Những nền văn minh vĩ đại không bị giết chết, mà chúng tự kết liễu mình."
VÍ DỤ phổ biến nhất về phim phản địa đàng có thể kể đến là Snowpiercer của đạo diễn Bong Joon-ho. Phim dựa trên những ảnh hưởng mà biến đổi khí hậu có thể gây nên do sự thờ ơ của con người khi đối mặt với nó. Những người sống sót phải sinh tồn trên một con tàu với hệ sinh thái trải dài theo suốt các toa, với sự phân chia giai cấp cực kỳ rõ ràng tăng dần theo chiều dài của nó. Tầng lớp thấp hơn bị nhồi nhét xuống phía sau của con tàu, trong khi tầng lớp thượng lưu thì sống ở 2/3 đầu tàu và hưởng thụ cuộc sống xa hoa.
Và giống như rất rất nhiều những phim cùng thể loại, Snowpiercer không khắc họa cụ thể quá trình dẫn đến sự sụp đổ của nhân loại, người xem sẽ được cung cấp một số thông tin ít ỏi để tự suy diễn ra lý do tại sao xã hội lại loạn lạc đến vậy.
Không nền nhầm thể loại phim này với Hậu Tận Thế hay Post Apocalyptic, thể loại này liên quan đến một sự kiện xảy ra khiến nền văn minh nhân loại sụp đổ — cho dù do nguyên do nào, chẳng hạn như cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh, zombie, chiến tranh hạt nhân, v.v. Do đó, một trong những đặc điểm khiến nó khác với Phản địa đàng ở chỗ là sau này vẫn tồn tại một xã hội hoặc trật tự xã hội thay thế.
Một nhánh cũng vô cùng nổi tiếng của Phản Địa Đàng có thể kể đến là Cyberpunk, diễn tả một tương lai xa nơi con người có xu hướng kết hợp những công nghệ đã cực kỳ phát triển vào đời sống nghèo khó, bần hàn. Nó bao gồm những thành tựu công nghệ và khoa học tiên tiến, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, góp phần thay đổi trật tự xã hội.
Một số phim cùng thể loại mà mình đánh giá là hay nhất:
A Clockwork Orange (1971) - Stanley Kubrick
The Mad Max series (1979 - nay) - George Miller
The Terminator (1984) - James Cameron
Robocop (1987) - Paul Verhoeven
The Matrix series (1999 - present) - The Wachowskis
Children of Men (2006) - Alfonso Cuarón
The Book of Eli (2010) - The Hughes Brothers
Snowpiercer (2013) - Bong Joon-Ho
1.5K - 28
Bức tường thứ 4 là gì ? Có nên "phá vỡ" nó hay không ?
Chắc hẳn các bạn đã từng một lần nghe đến thuật ngữ “ phá vỡ Bức tường thứ 4” rồi phải không nào. Điều này đã khá quen thuộc và trở nên nổi tiếng nhất với hình ảnh phản anh hùng Deadpool luôn thích nhìn chằm chằm và nói chuyện trực tiếp với khán giả. Vậy nó là gì và liệu có phổ biến trong phim ảnh hay không ? Tại sao diễn viên phải phá vỡ nó để công nhận sự tồn tại của khán giả ? Hãy đọc đến cuối bài viết nhé !
1. Khái niệm Bức tường thứ 4 (The Fourth Wall)
Một show diễn trực tiếp thông thường sẽ gồm ba bức tường chứa tất cả những gì xảy ra trong đó. Bức tường thứ 4 thì không hề tồn tại trong set quay. Thuật ngữ này bắt nguồn từ những nhà hát kịch, bức tường thứ 4 chính là “proscenium: - một mặt phẳng đứng ẩn dụ trong không gian của nhà hát, khán giả ngồi ngay bên ngoài bức tường thứ 4 đó. Dễ hiểu hơn nữa thì toàn bộ sân khấu là một cái hộp và khán giả ngồi ngoài cái hộp đó.
Tương tự, trong một bộ phim điện ảnh hoặc một series phim truyền hình, bức tường thứ tư là nơi các đạo diễn đặt máy quay của mình. Trong hầu hết các khoảng thời thời gian, các diễn viên trong cảnh quay đều sẽ không nhìn nhận được sự có mặt của máy quay hoặc khán giả. Họ tiếp tục như thể cảnh đó là cuộc sống thực của họ và coi như bức tường đó không hề tồn tại. Chúng ta có thể coi bức tường này như một tấm gương phản chiếu một chiều. Khán giả có thể nhìn và hiểu được câu chuyện, nhưng câu chuyện không thể hiểu được sự tồn tại của khán giả.
2. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các nhân vật có thể phá vỡ bức tường thứ 4 ?
Trong các quy ước tiêu chuẩn, các diễn viên không bao giờ thừa nhận sự tồn tại của khán giả hoặc cảnh quay. Việc phá vỡ bức tường là để các diễn viên nhận ra khán giả như thể họ biết mình đang được theo dõi. Điều này có thể thông qua việc nói chuyện trực tiếp với khán giả, ngụ ý về cốt truyện như thể người xem cũng đang ở trong một tác phẩm hư cấu.
3. Vậy phá vỡ nó nhằm mục đích gì ?
Khi bức tường tưởng tượng sụp đổ và một nhân vật nói chuyện với khán giả trong thế giới thực, nhà làm phim thường có một hoặc nhiều mục đích cụ thể trong đầu.
Để đưa ra lời bình luận về cảnh quay
Để một nhân vật nói độc thoại nội tâm
Để làm nổi bật tính giả tạo của chính bộ phim
Phá vỡ bức tường thứ tư giúp chúng ta kết nối tốt hơn một chút với các nhân vật và đồng cảm hơn với họ.
4. Một số ví dụ
Tất nhiên việc phá vỡ bức tường ngăn cách hai thế giới là một điều không có nhiều người thực hiện. Tuy nhiên nếu sử dụng đúng cách thì nó hoàn toàn có thể trở thành một công cụ tường thuật hữu hiệu. Phá vỡ vỡ bức tường thứ tư có thể trở nên hiệu quả hơn khi các nhân vật chính có nhiều sức hút. Ví dụ tiêu biểu chính là Deadpool, Jordan Belfort ( The Wolf of Wall Street ) Patrick Bateman ( American Psycho ) và Narrator / Tyler Durden ( Fight Club ).
Tóm lại, đây tuy là công cụ tuyệt vời nhưng hoàn toàn có thể trở thành con dao hai lưỡi và nếu các bạn muốn sử dụng phương pháp này vào phim của mình, hãy đảm bảo đừng làm khán giả phân tâm khỏi câu chuyện mà bạn kể. Vì việc phá vỡ bức tường thứ tư không đúng thời điểm khiến hiệu ứng này trở nên rẻ tiền và không chân thực trong các cảnh quay.
545 - 31
Phân biệt giữa Phim và... Phim ???
Định nghĩa phim – Film
Film là một định dạng được sử dụng để tạo ra các hình ảnh chuyển động.
Vì vậy, khi chúng ta xem một thứ gì đó trên tivi hoặc tại rạp chiếu phim, những gì chúng ta thấy là một loạt các hình ảnh được kết hợp với nhau ở tốc độ cao và được đặt trên một đoạn phim vật lý. Điều này tạo ra ảo giác về “chuyển động” .
Film là cách gọi của vật liệu mà các hình ảnh chuyển động được đặt lên. Trước khi chúng ta tìm hiểu sâu hơn về từ này, trước tiên hãy xem xét định nghĩa chính xác của nó: “Một miếng nhựa dẻo, hoặc vật liệu khác, được phủ đặc biệt để phơi sáng trong máy ảnh. Được sử dụng để sản xuất ảnh hoặc ảnh chuyển động. ”
Khi dùng từ “Film”, người ta thực sự đang mô tả một công cụ (phim nhựa) được sử dụng để tạo ra thứ gì đó mà chúng ta nhìn thấy trên màn hình. “Film” không phải là “movie”, mặc dù nhiều người tin là như vậy.
Khi chúng ta xem xét định nghĩa về mặt kỹ thuật của từ “Film”, nó liên quan đến một cái gì đó rất cụ thể. Nếu từ “Movie” là một từ với nhiều nghĩa và mang một cái gì đó mở thì “Film” là một từ chính xác chỉ có một nghĩa duy nhất.
Những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh hoặc những người viết về lĩnh vực điện ảnh thường thích sử dụng từ “Film” khi họ nói về những “hình ảnh chuyển động”( motion picture ). Điều này là do nó được coi là có cách phát âm và ý nghĩa chuyên nghiệp hơn so với từ “Movie”.
Do định nghĩa và cách sử dụng của từ film nhằm mục đích vừa chuyên nghiệp vừa mang tính chính xác, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi nó thường được liên kết chặt chẽ với các bức ảnh chuyển động được thiết kế để có bản chất thực tế (như tiểu sử) hoặc mang một thông điệp giáo dục hoặc sâu sắc.
Định nghĩa phim - Movie
“Movie” là một từ dùng để mô tả một loại “Film” phổ biến, thường có tính chất thương mại hoặc mang tính vui nhộn.
Mặc dù rất dễ hiểu tại sao mọi người sử dụng hai từ như thể chúng hoàn toàn giống nhau, nhưng sau khi đọc phần cuối cùng, bạn đã biết rằng từ film thường được sử dụng để mô tả một số loại hình ảnh chuyển động nhất định và nó thường được sử dụng chủ yếu trong ngành phim ảnh.
Vì vậy, nếu đúng như vậy, từ “Movie” nghĩa là gì? Đầu tiên, chúng ta sẽ xem xét định nghĩa chính xác của nó: “Ảnh chuyển động( motion picture) như một thể loại nghệ thuật hoặc giải trí”.
Và chính định nghĩa thứ hai này mang lại cho chúng ta sự khác biệt cơ bản khi chúng ta so sánh nó với từ " Film”. “Movie” được sản xuất chủ yếu cho rạp chiếu phim với mục đích giải trí thường được gọi là phim điện ảnh. Theo một cách nào đó, “Film” là một định dạng được sử dụng để tạo ra một thứ gì đó. Một chút giống như canvas( vải bố) được sử dụng để vẽ một bức tranh. Tuy nhiên, " Movie” là thứ đã được tạo ra bằng cách sử dụng canvas đó và canvas chính là “Film”.
Trong khi những người làm việc trong ngành điện ảnh thường sử dụng từ “Film” để giúp xác định tính chất nghiêm túc của một bức ảnh chuyển động, thì từ “Movie” thường được những người bên ngoài ngành (những người xem phim và người hâm mộ) sử dụng để mô tả những bộ phim được tạo ra hoàn toàn hướng đến sự giải trí.
Sự khác biệt giữa Film và Movie ?
Film
Có thể mang tính thương mại nhưng nó có mục đích lớn hơn là chỉ kiếm tiền.
Được đặc trưng bởi tính cách, niềm tin và tham vọng nghệ thuật của những người làm ra nó.
Quan tâm nhiều hơn đến tính thẩm mỹ, với cách mà máy quay chuyển động, ánh sáng và âm thanh để thu hút cảm xúc và kích thích trí tuệ của khán giả.
Cố gắng truyền tải hoặc khám phá một cái gì đó lớn hơn chính nó.
Buộc khán giả phải trưởng thành theo một cách nào đó, biến họ thành những con người tốt hơn một chút so với trước khi họ vào rạp.
Movie
Là một sản phẩm thương mại hóa được tạo ra để tiêu thụ đại chúng. Mục đích duy nhất của nó là lợi nhuận.
Được đặc trưng bởi một chuỗi các quyết định mà người đứng đầu cho rằng sẽ thu hút khán giả.
Quan tâm hơn đến cốt truyện và đưa ra câu trả lời dễ dàng.
Mang đến cho khán giả chính xác những gì họ muốn.
Khiến khán giả hài lòng nhưng cuối cùng không thay đổi gì trong bản chất con người.
Mình không muốn dìm hay phá hoại “Movie”. Giống như hầu hết những người khác, mình lớn lên trong việc xem phim. Phim ảnh là nền tảng cho những ký ức tuyệt vời của tôi, tạo cơ sở cho những buổi hẹn hò tuyệt vời, tụ tập bạn bè, kỳ nghỉ với gia đình, v.v.
Vì vậy, nếu phân biệt và đánh giá hai khái niệm này một cách tiêu cực thì sẽ là một điều kiêu ngạo và cực kỳ sai lầm, đặc biệt là khi cá nhân mình vẫn đi xem “movie” và tận hưởng những điều tuyệt vời từ chúng.
Bài viết này nhằm cung cấp cho các bạn một số kiến thức, để mọi người biết rằng Film và Movie là hai khái niệm khác nhau. Biết thêm được một kiến thức có phải rất hay đúng không nào ❤
680 - 35
Mô-típ (Motif) là gì ? Chúng ta thường hiểu sai về nó như thế nào ?
Bạn có bao giờ để ý rằng đôi khi các bộ phim sử dụng lại nhiều lần một đoạn âm thanh, từ ngữ hoặc hình ảnh không? Motif thực ra không được sử dụng tràn lan như hiện nay đâu!
Mô-típ hay Motif đã được sử dụng kể từ khi điện ảnh ra đời , và chúng đã phát triển thành một trong những công cụ tường thuật tốt nhất trong phim và văn học. Những câu chuyện hay không chỉ là những điều xảy ra, chúng là những sự kiện tiết lộ nhiều điều về bản thân chúng ta. Chúng mang hàm ý gì đó và nếu không có ý nghĩa đó, các bộ phim và tiểu thuyết chắc chắn sẽ sa sút.
Vậy các nhà làm flim định nghĩa Motif như thế nào ?
Motif là yếu tố tự sự lặp đi lặp lại được sử dụng xuyên suốt tác phẩm nhằm hỗ trợ chủ đề của câu chuyện. Motif không nhất thiết phải được trình bày dưới bất kỳ hình thức cụ thể nào. Nó có thể là một tham chiếu đến một mốc thời gian cụ thể, một đoạn âm thanh hoặc một câu thoại. Âm nhạc, màu sắc và các sự kiện lặp đi lặp lại cũng có thể trở thành mô-típ khi được sử dụng có chủ đích trong suốt một câu chuyện. Về cơ bản, các mô típ củng cố thêm chủ đề câu chuyện của bạn, giới thiệu lại các yếu tố quan trọng xuyên suốt tác phẩm để nhấn mạnh ý nghĩa của chúng.
Vai trò của Motif ?
Hỗ trợ chủ đề của một câu chuyện
Tăng cường các yếu tố tường thuật
Khía cạnh quan trọng nhất của một mô-típ là sự lặp lại , và sự lặp lại này sẽ giúp làm sáng tỏ những ý tưởng chủ đạo, chủ đề trung tâm và tầng ý nghĩa sâu sắc hơn của một câu chuyện.
Ví dụ kinh điển của Motif:
Lấy luôn bộ phim nổi tiếng Harry Potter và Tù Nhân ngục Azkaban, đạo diễn Alfonso Cuarón đã sử dụng một vài mô-típ khác nhau, nhưng một trong những motif nổi bật nhất là những con chó. Con chó xuất hiện lần đầu trước khi Harry cho bà dì Marge thành quả bóng bay, sau đó xuất hiện trước khi Harry lên chuyến xe bus Hiệp sĩ, tiếp theo là khi cậu được cô Sybill Trelawney xem bói tại lớp học. Cuối cùng là khi Harry nhìn thấy đám mây hình con chó giữa trận đấu Quidditch.
Vậy Motif con chó đã dùng để làm nổi bật chủ đề nào? Hãy ngẫm nghĩ lại, bạn sẽ thấy Harry Potter và Tù nhân Azkaban nói về hai điều: Tình bạn & Lòng trung thành. Chó được coi là người bạn trung thành của con người, bạn hiểu ý tôi chứ ?
Sự khác biệt giữa Motif và chủ đề là gì?
Đôi khi bạn sẽ nghe thấy cai đó sử dụng hai thuật ngữ này luân phiên nhau và bạn cảm thấy có vẻ nó là một. Nhưng tất nhiên là không !
Chủ đề (Theme) là những ý tưởng chính. Chúng đại diện cho ý nghĩa hoặc câu hỏi đằng sau chuỗi sự kiện tạo nên cốt truyện.
Mô típ là các yếu tố lặp lại để diễn tả các chủ đề này . Nói cách khác, motif là một công cụ được sử dụng để tạo ra chủ đề. Trong khi các chủ đề là trừu tượng và các khái niệm, các mô típ là những thứ hữu hình và cụ thể.
Ví dụ:
Phép thuật là chủ đề chính (theme) của loạt phim Harry Potter. Nó được show ra trực tiếp nhưng cũng được phản ánh trong nhiều mô típ. Ví dụ như cây chổi, áo choàng tàng hình và đũa thần của Harry.
Ảo tưởng về sự giàu có là chủ đề của The Great Gatsby. Nó được tiết lộ qua một số motif gồm cả lối sống xa hoa của Jay, những bữa tiệc quá đà xuyên suốt bộ phim.
Tương tự, Motif cũng khác với biểu tượng (Symbol) nhưng đôi khi biểu tượng cũng có thể là mô típ. Một biểu tượng có thể xuất hiện chỉ một lần trong một câu chuyện. Ngược lại, để tạo thành một mô-típ , một yếu tố phải xuất hiện lặp đi lặp lại.
Mình thường thấy mọi người hay sử dụng từ mô típ tràn làn để nhằm thể hiện sự lặp lại của một thứ gì đó: Ví dụ phim abc có mô típ giống phim xyz, nhân vật bà mẹ chồng abc thuộc kiểu mô típ mẹ chồng điển hình. Thực ra ý nghĩa ban đầu của nó trong phim ảnh không được sử dụng như vậy mà chỉ gói gọn trong một bộ phim mà thôi. Tuy nhiên, nếu coi đó là một từ Việt Hóa và sử dụng thì mình lại thấy chả có vấn đề gì cả, miễn là mọi người đều hiểu là được ^^
874 - 25
Phản anh hùng (Antihero) là gì ? Phản anh hùng có khác ác nhân (Villain) không ? Tại sao chúng ta thích một phản anh hùng?
Định nghĩa
Phản anh hùng, antihero hay antiheroine là nhân vật chính trong câu chuyện nhưng lại thiếu những phẩm chất và thuộc tính của một anh hùng thông thường như về chủ nghĩa lý tưởng, lòng can đảm, hay về đạo đức. Mặc dù những antihero đôi khi có thể thực hiện những hành động đúng về mặt đạo đức, nhưng không phải lúc nào cũng vì những lý do chính đáng. Thông thường những hành động của họ chủ yếu vì lợi ích cá nhân hoặc theo cách bất chấp đạo đức, miễn là hành động của họ cuối cùng sẽ đưa họ trở thành một người tốt.
Đặc điểm của một Anti Hero:
Mâu thuẫn lớn với xã hội
Được thúc đẩy bởi tư lợi cá nhân
Hành động hoặc đạo đức luôn cao quý
Ví dụ kinh điển về phản anh hùng bao gồm:
Severus Snape : Trong Harry Potter của mình , JK Rowling đã tạo ra một phản anh hùng đối lập với Harry Potter — một anh hùng với cổ điển với một động cơ chính nghĩa. Trong phần lớn cốt truyện của Harry Potter, Severus Snape hiện lên như một trong nhưng kẻ thù dai dẳng nhất của Harry Potter khi không ngừng theo dõi và gây khó dễ cho cậu. Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài lạnh lùng cùng với tính cách khó ưa kia, Snape vào hồi cuối đã được tiết lộ là một trong những người bảo vệ Harry mãnh liệt nhất.
Có một sự khác biệt rất lớn giữa Nhân vật phản diện (villain) và phản anh hùng (antihero). Do cách làm phim của thời hiện đại khiến mọi người thường nghĩ rằng chỉ cần nhân vật phản diện có động cơ phù hợp mà mình có thể đồng cảm được => anh/cô ta là phản anh hùng. Điều này là không đúng. Ví dụ như Joker sẽ luôn luôn là phản diện chứ không phải antihero, dù cho trong phiên bản 2019 đã đẩy sự đồng cảm với gã hề này lên mức tối đa.
Một phản anh hùng thường có những phẩm chất và cá tính mạnh mà đôi khi vượt qua ranh giới mà một anh hùng truyền thống không thể làm được. Họ có thể mắc một số lỗi lầm về mặt đạo đức nhưng luôn luôn có ranh giới cho việc đó. Một số phản anh hùng nổi tiếng trong giới siêu anh hùng bao gồm: Deadpool, Red Hood, Punisher và Venom. Tuy nhiên một số vẫn có thể làm cả hai. Ví dụ, trong các bộ phim của Marvel, Loki được cho là phản anh hùng trong Thor và phản diện trong Avengers .
Cơ bản có thể phân biệt như sau:
Nhân vật phản diện: Làm tổn thương người khác mà không quan tâm đến sự đau khổ của họ và tuyệt đối không có sự đồng cảm. Tất nhiên kẻ phản diện cũng có thể có giá trị và mục tiêu cao quý, thế nhưng mục tiêu của những kẻ phản diện là làm mọi thứ theo ý mình và luôn tin rằng những điều mình làm là đúng.
Phản anh hùng: Sẵn sàng làm tổn thương người khác, thậm chí theo những cách khủng khiếp, nếu có lý do tương xứng trong nhiệm vụ giải quyết một vấn đề lớn hơn của họ. Mục đích cuối cùng của phản anh hùng vẫn là điều tốt dựa trên quy chuẩn xã hội đánh giá
Tóm lại: Sự khác biệt lớn nhất giữa phản anh hùng và phản diện là phản anh hùng vẫn có chữ anh hùng, có nghĩa là cuối cùng anh/cô ta vẫn sẽ đụng độ với nhân vật phản diện.
Tại sao chúng ta yêu thích Phản anh hùng (Antihero)
Con người chúng ta sống và làm việc theo những quy chuẩn mà xã hội đặt ra. Chúng ta chỉ được dùng những gì mà xã hội chấp nhận để đạt được những giấc mơ hay hoài bão của mình. Thế nhưng, trong thâm tâm mỗi người đều hiểu rằng, không phải lúc nào tuân theo những quy tắc thông thường cũng tốt, mà nó thậm chí còn ngăn cản việc đạt được mục tiêu cuối cùng. Có thể về lý trí, chúng ta bộc lộ ra ngoài là đồng thuận, thế nhưng trong tiềm thức, chúng ta đều hiểu rằng có nhiều thứ quá bất công để có thể giải quyết theo cách truyền thống…
Điều gì sẽ xảy ra nếu Batman giết Joker mà không phải giam hắn vào ngục ? Thừa nhận đi, hồi bé không dưới một lần các bạn đã mong Batman xử Joker cho nó xong chuyện rồi đúng không. Và nếu Batman thẳng tay làm điều đó thì anh sẽ trở thành một antihero vì không tuân theo luật pháp. Thế nhưng có lẽ sẽ chả ai tức giận gì nếu anh làm điều đó cả. Đã có ai từng xem Batman: Under the Red Hood rồi đồng cảm với antihero Red Hood chưa ? Hãy giơ cánh tay nếu tôi không đơn độc.
Nói chung, chúng ta yêu những phản anh hùng vì những đặc điểm thiếu sót của họ. Họ đang làm việc vì những điều tốt đẹp nhưng lại có những tính cách ích kỷ và vì lợi ích của bản thân. Dễ đồng cảm hơn nếu so với một Superman nhân cách cao cả đến khó tin. Chúng ta sinh ra không hoàn hảo và chúng ta biết điều đó.
Thêm một số phản anh anh hùng trong các phim nổi tiếng bao gồm:
Tyler Durden — Fight Club
Oh Dae-Su – Oldboy
Alex Delarge - A Clockwork Orange
Michael Corleone - The Godfather I And II
Jordan Belfort - The Wolf of Wallstreet
Mad Max
Jack Sparrow - Cướp biển vùng Caribe
The Bride - Kill Bill
1.7K - 99
Phong trào “Review” trá hình – Liều thuốc độc hủy hoại nền điện ảnh ?
Đầu tiên, mình xin khẳng định rằng người xem không có lỗi khi xem những Review phim trên FB, mình chả là gì để đánh giá rồi phê phán mọi người rằng tại sao lại xem những thứ như thế cả. Mỗi người ai cũng có công việc của mình, các bạn thấy hay thì có quyền xem và không ai có quyền ý kiến về chuyện đó ^^ Bài viết này mình chỉ muốn cho mọi người biết một cách cơ bản nhất về định nghĩa của Review phim thôi.
Định nghĩa Review ( kiếm trên google), không phải Review nào cũng giống nhau:
“ Viết bài Review hay còn được gọi là viết bài nhận xét, bài đánh giá. Đây là một trong những cách phổ biến và đơn giản nhất để cung cấp đầy đủ thông tin về một sản phẩm, dịch vụ nào đó.”
Vậy cung cấp thông tin như thế nào cho đúng ? Khi Review đồ ăn, các Reviewer sẽ quay lại quá trình mình ăn, thậm chí còn diễn tả chi tiết tất cả mọi thứ để người xem chảy nước miếng rồi ra quán gọi đồ ăn luôn=> thành công. Điều tương tự cũng xảy ra khi các bạn xem một review những món đồ công nghệ, những người đánh giá lúc này đương nhiên sẽ phải trình bày tất cả những gì sản phẩm có, những tính năng, công dụng và nói chung là tất cả các chi tiết nhỏ nhất của sản phẩm đó, người xem thấy hữu dụng nên chạy ra cửa hàng mua => thành công.
Và có lẽ những kẻ “Review phim" hiện nay đang lấy nguyên cái định nghĩa từ những thứ trên để áp dụng vào một video review phim. Có lẽ họ nghĩ rằng sau khi xem những video đó của họ, người xem sẽ thấy phim quá hay và lên mạng tìm link để xem ư ? Nếu đó là những suy nghĩ thật sự thì mình cũng chịu, đến cái phân biệt giữa thứ hữu hình như nắm xôi, tô phở hay cái iPhone 12 so với một thứ vô hình như kịch bản phim, nội dung cuốn sách mà còn không hiểu được thì đừng nên gắn chữ REVIEW vào. Còn nếu mà biết rồi những vẫn cố tình làm thì xin phép không bình luận…
Vậy “Review phim” chính xác là gì ? Mình sẽ đưa ra một định nghĩa của mình mà đa số những người có tầm hiểu biết nhất định đều sẽ đồng ý:
“ Review phim là một bài cảm nhận, đánh giá về một bộ phim. Trong đó, người viết có thể đưa ra những tình tiết cơ bản của phim để nêu ra cảm nhận, qua đó liên hệ đến trải nghiệm của bản thân. Một bài review phim có thể giới thiệu được chủ đề, cốt truyện và các nhân vật trong phim cho khán giả. Thêm vào đó là đánh giá qua những hiệu ứng đặc biệt như âm nhạc, hình ảnh và phần hoàn thiện kỹ xảo. Nói chung là đánh giá tất cả các yếu tố để tạo nên bộ phim. Review phim là một cách để bày tỏ quan điểm của 1 người về một bộ phim. Mục đích của hầu hết các bài đánh giá này là giúp người đọc xác định xem họ có bỏ tiền ra để đi xem phim hay không hoặc đơn giản hơn là những yếu tố đã được đánh giá trên có phù hợp để họ tự lên mạng tìm link để xem hay không. Một bài viết hay một video đã gắn chữ Review thì KHÔNG ĐƯỢC SPOIL những tình tiết quan trọng của phim (như cái kết, những chi tiết quan trọng và plot twist). Bonus: quan điểm của mình đã là Review thì không spoil, không có khái niệm Review có spoil ( dù việc này có thể thông cảm nếu có cảnh báo trước ).
Vậy cùng lướt qua những Review kia có gì ?
Tiêu đề: “REVIEW PHIM” khiến tất cả những người có quan tâm đến phim ảnh đã cực kỳ ngán ngẩm, trong khi đó lại thu hút được rất nhiều sự chu ý của phần đông khán giả. Đủ hiểu phần lớn mọi người vẫn chưa hiểu lắm về từ này. Hiện tại sau khi bị lên án trong 1 khoảng thời gian thì có 1 vài page đã ghi thêm chữ tóm tắt phim ở cuối câu, cơ mà vẫn phải có chữ REVIEW ở đầu cơ =))
Nội dung và video lấy hoàn toàn từ bên Trung Quốc rồi ghép nhạc vào, ăn bản quyền kha khá và cũng sập cơ số page rồi nên họ đã phải phân thân ra hàng trăm cái page review như vậy để kéo nhau. Đó là lý do tại sao lướt video trên fb là không thể tránh khỏi.
Kể lại hoàn toàn bộ phim => bản chất là tóm tắt, nhưng đôi lúc lại chèn thêm đánh giá của cá nhân vào => Review ? Các bạn hãy cứ xem bất kỳ một video nào đều như vậy, luôn luôn có ý kiến của người đọc thêm vào. Cách kể này đã nhận được sự ủng hộ đáng kinh ngạc khi video nhiều view nhất mà mình từng thấy đã là 10 triệu view.
Nhưng chắc chắn không phải là phân tích vì họ có phân tích được cái khỉ khô gì đâu, lâu lâu chêm thêm vài câu đánh giá kiểu: Thật là một nhân vật độc ác… các nhân vật sẽ phải làm sao đây =)) Đôi khi cũng chưa hiểu bản chất của những video thể loại này là gì, nửa nạc nửa mở chả ra làm sao. Theo các bạn, ta có thể xếp dạng video như vậy là gì ? Chắc là tóm tắt thôi nhỉ ?
Câu cú đúng chuẩn copy paste, không thèm quan tâm đến chính tả và câu từ, không thèm đầu tư vào khâu biên tập lại những gì mình đã đem đi dịch. Nếu các bạn thật sự nghe kĩ lại, những câu nói trong video không hề liền mạch với nhau. Sự thực mà, họ copy y nguyên về rồi cho chị GG đọc thôi chứ cũng chả xem phim để hiểu có thể hiểu được nó.
Vậy có tác hại gì không ?
LỚN NHẤT: Bị Spoil phim: đúng, mình cũng là nạn nhân vào thời điểm bắt đầu nổi lên những video dạng REVIEW trá hình như thế này. Lúc đó vì tò mò xem một video có gắn mác review mà đã bị spoil 1 bộ phim cực hay, và chắc hẳn 100% người xem lần đầu đều shock như mình.
Từ cách đặt tiêu đề video cho đến cách làm đều không rõ ràng, tên một kiểu nội dung 1 kiểu, mà cách kể như vậy khiến nó rất khó có thể xếp loại thành nhóm video kiểu gì vì như mình đã nói phía trên, nó nửa nạc nửa mỡ. Nhưng mà chắc chắn không phải Review, việc đặt tên như vậy khiến khán giả xem có cách hiểu không đúng, nói cách khác là hiểu lệch lạc cụm từ đó. Review dần dần không còn là đánh giá nữa mà sẽ trở thành tóm tắt trong suy nghĩ của mọi người.
Nếu như các bạn không để ý, cách kể chuyện này rất cuốn và bạn sẽ muốn xem mãi và không bao giờ dừng. Nhưng nếu bây giờ thực sự ngẫm nghĩ lại, bạn có thể nhớ những gì mà mình đã xem không ? Nếu ở những video tóm tắt thông thường, ít ra các bạn có thể nhớ được nội dung và diễn biến chính của phim, nhưng với cách kể chuyện này, tất cả những gì đọng lại trong đầu bạn sau 10p xem chỉ là con số 0 tròn chĩnh.
Còn riêng với những bạn đam mê phim ảnh thì chắc chắn cực kỳ ngứa mắt với những video kiểu này, mình đã nghe rất nhiều ý kiến lên án như: không tôn trọng tác phẩm gốc, điện ảnh sẽ bị cảm nhận hời hợt qua những câu nhận xét cực kỳ ngớ ngẩn của người đọc, chưa kể một số phim còn đang chiếu ngoài rạp mà trên fb đã ra clip => ảnh hưởng đến cả cụm rạp. Cơ mà nếu được phép đánh giá về mặt giá trị nội dung thì mình sẽ coi nó như những video có tựa” Thử thách 24h…” nổi lên 2 năm trước, xem thì vui đấy nhưng lại vô nghĩa và hoàn toàn sáo rỗng.
Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật thứ 7 và cực kỳ khác biệt vì nó kết hợp với rất nhiều loại hình nghệ thuật khác: Âm nhạc, múa, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, kịch. ... Và tất cả những điều đó được kết hợp cùng với nhau nhau sẽ tạo nên thứ nghệ thuật tuyệt vời. Và nếu các bạn muốn tận hưởng sự tuyệt vời đó một cách trọn vẹn, hãy bớt chút thời gian để xem một bộ phim hoàn chỉnh ^^
Tóm tắt không xấu, thậm chí lại là tốt cho những người không có thời gian xem phim hoặc muốn hoài niệm lại một bộ phim mà mình đã từng xem từ lâu. Vậy nhưng nó chỉ có thể tối đa tác dụng nếu được đầu tư một cách quy củ và đàng hoàng.
Cuối cùng, xin phép trích lại một câu từ một bài cũng phê phán tương tự:
“Review phim là giới thiệu, không phải là phá hoại trải nghiệm của người khác.”
Và mình đặt title để câu like
634 - 164
Kênh youtube chính chủ của Minh Review!
Tik Tok: tiktok.com/@minhreview99
------------------------/------------------------
✪ Kênh Youtube trực thuộc hệ thống W2W Studio!