Channel Avatar

Quang Minh Vạn Sự @UC56c1CtFyWv_CEJ2fbTvQWw@youtube.com

126K subscribers - no pronouns :c

More from this channel (soon)


Welcoem to posts!!

in the future - u will be able to do some more stuff here,,,!! like pat catgirl- i mean um yeah... for now u can only see others's posts :c

Quang Minh Vạn Sự
Posted 4 days ago

# Đầu xuân nói chuyện xin chữ AI

"Những năm gần đây, việc xin chữ đầu xuân đã được phục hồi và khá phổ biến, như một mỹ tục của người Việt. Hình ảnh các ông đồ tân thời ngồi cho chữ trong không gian mùa xuân gợi lại phong vị đẹp ngày xưa. Câu hỏi đặt ra là, ở thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, có thể nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) “cho chữ” được không?"

Chúng tôi tìm đến Nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống ứng dụng Nguyễn Quang Minh để trò chuyện về đề tài thú vị này.

Phóng viên: Xin ông cho biết, tục xin và cho chữ đầu xuân có từ bao giờ và diễn ra như thế nào?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh: Chúng ta chưa thể khẳng định ở Việt Nam tục xin chữ xuất hiện từ thời điểm nào. Nếu lấy mốc năm Ất Mão 1075, vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Nho học đầu tiên ở nước ta để tuyển chọn nhân tài thì tại thời điểm đó tạm coi chữ viết không chỉ là phương tiện trao đổi, truyền tải thông tin mà còn tác động đến hành động của con người. Cấu trúc của âm thanh hay “câu lệnh” của chữ viết “tượng hình” toàn bộ hành vi con người, và khi đó người ta lờ mờ thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa âm thanh và chữ viết.

Nếu chữ trong ngôn ngữ phương Tây chủ yếu dùng để ký âm thì chữ Nho lại luôn gắn với nghĩa, người ta gọi đó là chữ tượng hình. Trong một chữ, chứa đựng nhiều nghĩa, thí dụ chữ Đinh trong tiếng Hán là cái đinh ba, nhưng còn có nghĩa là người, trực xung, nhiệt (màu đỏ), là phương vị 180 độ, là con gái thứ… Chỉ một chữ trong các hoàn cảnh khác nhau được hiểu theo nghĩa khác nhau. Chữ với người Á Đông bao gồm cả nội dung thông tin và phần hồn của thông tin, tức là xem chữ có thể đoán biết được con người và thế giới.

Người Á Đông quan niệm thế giới hình thành bởi 5 lực lượng vật chất, gọi là ngũ hành. Thí dụ, cách buộc lạt bánh chưng, người xưa dùng 4 chiếc lạt chia thành cửu cung, như vậy trên vỏ một chiếc bánh đã chứa đựng nền học thuật của người Á Đông. Một ngày bắt đầu từ tiếng gà gáy, kết thúc khi mặt trời lặn. Người ta phát hiện vào thời khắc đầu tiên ánh sáng xuất hiện, có một loài vật bị ngứa cổ họng, đó là con gà trống. Nên buổi sáng sớm chúng gáy nhiều lần, thậm chí tiếng gáy của con gà được thi vị hóa thành “gọi mặt trời thức dậy”.

Sau này khoa học xác định quả thực có một hormone tên là oxytocin kích thích hành vi gáy liên quan tới ánh sáng. Tuy nhiên, phải trải qua thời gian lâu lắm, người xưa mới tìm ra thuộc tính của ánh sáng liên quan đến ngũ hành và ngũ vị. Vị Tây là vị cay, liên quan đến hormone của con gà và ánh sáng; phải chăng vì thế phân gà bón vào cây ớt khiến quả ớt cay hơn bón bằng các loại phân khác. Như vậy, để tìm ra một thông tin như vậy, con người phải mất hàng nghìn năm quan sát các vận động tự nhiên, ghi chép, chiêm nghiệm, tổng hợp qua nhiều thời kỳ.

Trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận ra tính vĩ đại của tục xin chữ, đó không thuần túy là thú chơi hay xin cầu may mắn, tài lộc. Về mặt bản chất đây là quá trình tổng kết thực tiễn sống và tiến trình phát triển tri thức lâu dài của nhân loại.

Tôi nhận ra tính vĩ đại của tục xin chữ, đó không thuần túy là thú chơi hay xin cầu may mắn, tài lộc.

Phóng viên: Thưa ông, ngày xưa người xin chữ là ai? Cho chữ là ai? Việc xin và cho chữ diễn ra trong hoàn cảnh nào?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh: Thông thường khi kết thúc một năm, dịp đầu năm mới người ta thường tìm đến các ông quan, các chức sắc trong xã hội, đặc biệt là các nhà nho, các thầy học cao biết rộng xin chữ để tìm định hướng hay may mắn cho mình. Người đến xin chữ đa phần là người lớn tuổi và trẻ em. Trẻ em tìm sự phát triển, còn người già tìm sự bình an, tốt lành của đạo trời đất mang lại cho con cháu.

Cách xin và cho chữ ngày xưa cũng không giống bây giờ. Người xin không xin cụ thể chữ gì. Người cho chữ sau khi quan sát, hỏi han, lắng nghe nguyện vọng của người xin, rồi quyết định cho chữ nào. Thí dụ, người cha có con sắp đi thi, đến xin chữ là có ý mong con gặp may mắn, thành công, đỗ đạt. Căn cứ vào ý của người xin, người cho sẽ viết chữ. Có khi người cho chỉ vẽ một ngôi sao, kèm theo một dấu phẩy là đã biểu trưng cho các kết quả thi cử rồi.

Phóng viên: Vậy giữa các ông quan và các thầy học cao, biết rộng có xin và cho chữ nhau không?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh: Một câu hỏi thú vị. Câu trả lời là: có. Đó chính là bản chất của thư pháp. Trước đây người ta vẫn cho rằng thư pháp là nghệ thuật viết chữ sao cho đẹp. Không hẳn như vậy, bởi thư pháp bắt nguồn từ những cuộc thi của các bậc túc nho, các bậc hiền triết. Qua nghệ thuật viết chữ, họ thể hiện tâm trạng, cảm xúc, đưa ra quan điểm, nhận thức về sự vận động của thời cuộc, của thế giới trong năm mới sẽ như thế nào. Hằng năm, họ gặp lại nhau, tổng kết một năm đã qua, căn cứ vào kết quả để tôn vinh nhau. Tuy đây chỉ là cuộc tôn vinh dân gian, nhưng với tôi đó là cuộc thi vĩ đại, để lại rất nhiều di sản văn hóa, tri thức mà sau này đời đời chúng ta được thừa hưởng và học hỏi.

Thư pháp về bản chất là cuộc thi trong dân gian, là những đấu pháp trong ngôn ngữ, trong tư tưởng, trong các bộ môn dự báo, nhưng là nền tảng cho rất nhiều chuyện khác. Thí dụ trong học thuyết vận khí, người ta xác định năm nào đó là “thái quá”, muốn diễn đạt cái “thái quá” ấy thì bằng chữ gì? Hay gặp năm “bất cập” thì người viết chữ hiểu cái “bất cập” ấy như thế nào? Hỏa, hay thổ, hay kim, hay thủy… tức là trong chữ thư pháp bao gồm rất nhiều thứ như mỹ thuật, âm nhạc, như ngũ cung, ngũ âm, ngũ sắc, ngũ vị, ngũ xú… Tôi cho rằng người xưa đã từng đi trước các dự báo của khoa học hiện đại. Trong nét chữ của họ không chỉ chứa đựng mùi vị, âm thanh, màu sắc… mà còn mang cả hơi thở của thời cuộc.

Phóng viên: Như vậy người cho chữ ắt hẳn phải đạt tới tầm tư tưởng, hiểu biết và học thuật rất cao, điều đó có đúng không, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh: Chính xác. Ngày xưa không phải ai cũng có thể cho chữ, một người ngoài hội đủ các phẩm chất đề cập ở trên, còn phải có đạo đức, nhân cách mẫu mực. Một bức thư pháp hay một bức tranh chữ không còn là chữ nữa mà là tác phẩm nghệ thuật, và cao hơn, nó mang tính triết học thâm sâu.

Phóng viên: Ngày xưa người ta hay nói “xin chữ Thánh hiền”. “Thánh hiền” ở đây phải hiểu như thế nào, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh: Hai chữ “Thánh hiền” không phải nói đến thần thánh mà chỉ những người có đạo đức, uy danh và sự uyên bác. Về bản chất, người cho chữ phải hội tụ được phẩm chất “thánh hiền”, tức là tài giỏi, xuất chúng, mẫu mực thì mới được cho chữ. Một người có thể viết chữ rất đẹp, nhưng không đủ kiến thức, tư duy thì vẫn không thể cho chữ được.

Phóng viên: Nói về chữ Nho, có các lối viết: chân, lệ, hành, thảo,… Khi cho chữ thì người xưa thường viết lối chữ nào?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh: Lúc viết chữ, người cho chữ giống như một nhà khoa học, phải am hiểu đủ các bộ chữ. Mỗi bộ chữ sẽ tương ứng với giai tầng của người xin chữ. Chỉ cần xem bộ chữ ngày xuân, ta đã biết toàn bộ thân thế, sự nghiệp của người được cho chữ.

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay AI ngày càng thâm nhập sâu sắc vào nhiều lĩnh vực đời sống, đặc biệt là giới trẻ và những người am hiểu công nghệ. “Xin chữ AI” có thể thực hiện được hay không? AI sẽ “can thiệp” vào đời sống văn hóa con người như thế nào?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh: Trước khi bàn về việc “xin chữ AI”, tôi muốn quay về xấp xỉ 2.000 năm trước, thời Tam quốc ở Trung Quốc. Tương truyền Gia Cát Lượng đã chế tạo ra “mộc ngưu lưu mã”, tức là trâu gỗ, ngựa máy để vận chuyển lương thực. Theo tôi, đây là tiền đề của robot ngày nay. Nhưng trâu gỗ ngựa máy ấy không thể thay ngựa Đích Lư đưa Lưu Bị vượt suối Đàn Khê. Vì bước đi của chúng đã được cấu trúc bởi hạn định kỹ thuật.

Tất nhiên con ngựa thật cũng có hạn định của nó, nhưng lúc đối diện với sinh tử, sức lực tăng lên bội phần so với bình thường, tạo ra khoảnh khắc xuất thần, phi thường như Đích Lư thì không cấu trúc nào có thể thay thế được. Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa con ngựa máy và con ngựa thật. Với loài vật đã thế, còn thực vật thì sao? Màu đỏ của cánh hoa sẽ khác với sơn đỏ, vì đỏ của cánh hoa là mầu đỏ sống, có sinh mệnh riêng; còn sơn đỏ chỉ là màu chết, là cảm xạ màu mà thôi.

Ta đã nói đến cảm xúc, tâm trạng, trí tuệ, tính sáng tạo… của người cho chữ, những điều mà trí tuệ nhân tạo không thể có được.

Đọc tiếp tại: quangminhvansu.vn/posts/dau-xuan-noi-chuyen-xin-ch…

78 - 0

Quang Minh Vạn Sự
Posted 4 days ago

# Tiếng vọng Trần Thương

Tiếng trống Xuân giục giã, như thôi thúc con người bước vào hành trình khám phá lịch sử, văn hóa của dân tộc. Trong những huyền thoại được truyền đời qua bao thế hệ, câu chuyện về nơi an nghỉ của vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vẫn luôn được dân chúng và nhiều nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm.

## Lần theo huyền sử

Không theo dòng người nô nức dự Lễ hội đền Trần Nam Định, lần theo câu huyền sử trong dân gian: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, hương Bảo Lộc”, chúng tôi tới đền Trần Thương (thôn Trần Thương, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vào một ngày giữa tháng Giêng để “lật mở” những bí ẩn về đến Đức Thánh Trần.

Không ai biết câu thành ngữ trên lưu truyền trong dân gian từ bao giờ nhưng đây chính là căn cứ chủ yếu cho những ý kiến ủng hộ giả thiết phần lăng mộ Hưng Đạo Vương nằm ở đền Trần Thương.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, quyển 6, kỷ Nhà Trần chép: “Năm Canh Tý (tức năm 1300), năm Hưng Long thứ 8, Hưng Đạo Đại Vương ốm. Mùa thu, tháng 8 ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn qua đời ở Vạn Kiếp (thuộc Hải Dương ngày nay).

Khi sắp mất, ông dặn con rằng: Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau mục”.

Có người nói An Lạc tức là tên ấp An Lạc vốn là đất “thang mộc” của Trần Liễu ở phủ Thiên Trường (tỉnh Nam Định). Hoặc An Lạc là một quả đồi nằm gần đền Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương). Có ý kiến lại nghiêng về câu thành ngữ “thác Trần Thương” thì cho rằng An Lạc phải là một nơi có liên hệ với vùng kho lương Trần Thương.

Theo Tiến sĩ sử học Ngô Vương Anh, có câu chuyện rằng khi Đức Thánh Trần qua đời, 5 cỗ quan tài được đưa đi về 5 hướng, làm lễ táng như nhau và cũng được che đậy, xóa dấu tích để không ai biết chính xác nơi nào mới thực sự là nơi thân xác ngài được an nghỉ. Trong khi, bản chú thích tại đền Trần Thương ghi lại đến 70 cỗ quan tài.

Truyền lời các cụ tiên chỉ của làng Trần Thương, rất có thể nơi đây là một trong những địa điểm bình phong hoặc chính là nơi an nghỉ thật sự của Đức Thánh Trần và hầm ngầm nơi giếng (hố) khẩu nằm ở trung tâm của ngôi đền, chính là nơi mang trong mình những điều huyền bí về nhục thân của ngài. Vậy nơi đâu mới thật sự là địa linh được Đức Thánh Trần chọn để thác về?

Để trả lời câu hỏi này, dựa trên phân tích về mặt triết tự, liên kết các sự kiện lịch sử, Nhà nghiên cứu văn hoá phương Đông Nguyễn Quang Minh đã đưa ra những phân tích sâu hơn về mối liên hệ của Đền Trần Thương và Đức Thánh Trần.

Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh, cần phải hiểu hơn về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Nhìn từ câu chuyện lịch sử xoay quanh vị anh hùng này, có thể khẳng định đây không chỉ là một thiên tài quân sự, mà còn là một thiên tài toàn diện - “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, đặc biệt hiểu về phong thủy.

Chính vì hiểu về phong thủy nên “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, hương Bảo Lộc” không phải là thành ngữ, mà chứa đựng thuật ngữ phong thủy học. Khi xưa 14 đời nhà Trần đều lập nghiệp tại Côn Sơn Kiếp Bạc, nhưng toàn hộ lương thảo lại giữ ở Trần Thương, Bảo Lộc là nơi khởi đầu của những trận chiến.

Vị trí của Trần Thương là nơi hội tụ của 6 nhánh sông nhỏ từ Côn Sơn Kiếp Bạc chảy xuống. Từ đây, có thể đi ngược từ sông Hồng ra Thăng Long hoặc xuôi về biển Đông khoảng 3km là đến khu lăng mộ nhà Trần.

Nhìn ra địa thế này, Hưng Đạo Vương đã lựa chọn nơi đây để cất giữ lương thảo. Người Trung Quốc dùng thuật ngữ “mộ khố” (Hán-Việt) ý chỉ vị trí giấu ngân khố - quân lương lớn nhất đi liền với nơi chôn cất. Phải là người rất hiểu phong thủy thì mới luận được điều này.

Từ những phân tích trên, Nhà Nghiên cứu Nguyễn Quang Minh cho rằng, đây chính là lý do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chọn Trần Thương làm nơi chôn cất.

## Giải mã huyền cơ

Lâu nay, nói tới Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, hay Đức Thánh Trần, người ta thường nghĩ ngay tới Đền Trần (Bảo Lộc, Nam Định). Bởi Phủ Thiên Trường - nay là Khu di tích Đền Trần Nam Định là nơi phát tích của Vương triều nhà Trần và được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long.

Hàng năm cứ vào 14 tháng Giêng, các vua Trần lại tổ chức nghi thức Khai Ấn, tế lễ trời đất - tổ tiên, phong chức tước cho những người có công. Để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, đúng 14 tháng Giêng, Lễ khai ấn Đền Trần đầu xuân tại khu di tích Đền Trần Nam Định cũng được ra đời từ đó.

Còn đền Trần Thương, theo lời thủ nhang Phạm Hải Hưng, Trần Hưng Đạo đã chọn làng Miễu nằm giữa sông Hồng và sông Châu Giang, nơi hội tụ của 6 nhánh sông nhỏ làm điểm cất kho lương phục vụ cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2.

Sau khi chống quân Nguyên Mông thành công, ngài trở về đây phát lương khao quân dân, biểu đạt lòng biết ơn mọi người đã sát cánh với triều đình.

Đền được dựng lên sau khi Trần Hưng Đạo hóa thánh. Làng Miễu cũng chính thức mang tên làng Trần Thương kể từ đó, Trần Thương có nghĩa là kho lương của nhà Trần. Đến nay truyền thống phát lương vẫn được giữ vững hằng năm vào dịp tết Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng âm lịch).

Lại nói về việc thờ cúng hàng năm, lâu nay, mỗi dịp đầu Xuân người dân đều kéo tới Đền Trần Nam Định để xin Ấn và cho rằng đây là nơi linh thiêng nhất để bái Đức Thánh Trần, nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh, đó chỉ là quan niệm dân gian.

Căn cứ cách dụng binh của Trần Hưng Đạo, vị trí khởi đầu là tại Kiếp Bạc, vị trí thứ hai là tại Đền Trần Nam Định, vị trí thứ ba cũng là vị trí cuối cùng và quan trọng bậc nhất chính là đền Trần Thương - nơi hội tụ thành quả của nhà Trần.

Chính bởi vậy, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh cho rằng: Khi lễ bái cũng cần có trình tự. Bắt đầu từ ngày 14/8 âm lịch hàng năm lễ tại Côn Sơn Kiếp Bạc. Tiếp đó là lễ đền Trần Nam Định vào ngày 14, 15 tháng Giêng. Cuối cùng tới đền Trần Thương (từ 15 - hết tháng Giêng).

Đền Trần Thương gánh vác phần “tĩnh”, còn lại là "động", nếu không kết hợp “động - tĩnh” hài hòa thì việc lễ bái chỉ có cảm xúc, không có học thuật.

Tiếng trống vang từng hồi, các cụ diện lễ phục bước vào đền, trai tráng đã chỉnh tề chờ lệnh rước lương thảo vào kho, dòng người lớp lớp chờ được “phát lương”, cầu một năm may mắn, no đủ. Đền Trần Thương còn ẩn chứa bên trong nhiều câu chuyện huyền bí đang chờ khai phá.

quangminhvansu.vn/

43 - 0

Quang Minh Vạn Sự
Posted 1 year ago

Thư Hùng nước
Nhà nghiên cứu Văn hoá phương Đông Nguyễn Quang Minh

Bàn về thuật ngữ Thư Hùng là cách nói về thuật ngữ âm dương. Đó là sự đối đãi qua lại
giữa âm và dương, giữa trống và mái. Dù thuật ngữ Thư Hùng trong từ điển được giải
thích theo hướng là sự cạnh tranh quyết liệt nhưng bản chất nghĩa gốc của Thư Hùng
chính là trống và mái.

Xem âm dương giỏi thì không nhất thiết phải xem cả đực và cái mà chỉ cần xem đực sẽ ra cái và
xem cái sẽ ra đực. Đực – cái, âm – dương là sự tương tác qua lại giữa hai cực trái dấu, giữa hai
mặt vấn đề hay là sự tương tác qua lại giữa hai phần của một vấn đề. 

Trời Đất là một đôi đực – cái; Núi - Sông là hình tượng của Thư Hùng, âm dương đối nghịch.
Đất có khí đến của cực âm thì cảm ứng tính dương của Trời. Dương khí của trời tức là Mặt trời
giao hoà với đất thì hiện rõ vô hình. Chỉ hiện rõ cỏ cây, lúa gạo thì mùa xuân tươi, mùa thu tàn;
rồng, rắn, sâu, bọ thì mùa đông ngủ, xuân thức mà thôi. Đó cũng là những nguyên tắc quan trọng
của cấp nước và thoát nước. Cấp – Thoát nước chính là biểu tượng của cặp Thư - Hùng; vấn đề
thư hùng là biểu hiện của tất cả các ý nghĩa khi chúng ta bàn về các kết cấu kiến trúc của một
khu vực nói chung, một quốc gia hay thu nhỏ hơn là một tỉnh, thành phố, huyện, xã/phường. 
Theo nguyên lý âm dương thì động thuộc dương; tĩnh thuộc âm; thư hùng trong được mất thì
tính được thuộc dương, mất thuộc âm. Phân tích thư hùng trong nghĩa của động tĩnh, không hẳn
là trống mái, đực cái. Đực cái thì cũng vẫn phải tính đến đặc điểm dương động, âm tĩnh. Đó là lý
do chúng ta xác định động tĩnh trong khái niệm thư hùng.

---

## Bàn về sự vận hành của nước trên vỏ mặt địa tầng trái đất. 

Bắc Băng Dương và Nam cực bản chất được xác định là cặp thư hùng của cấu trúc trái đất. Hai
vị trí này quyết định sự sống còn, sự luân chuyển khí và khoa học truyền thống đã xác định sinh
khí của loài người sẽ được thừa hưởng tất cả các kết quả của những cuộc thư hùng của hai vị trí
này. 

Loài người mới chỉ đang dùng được những phần thư hùng chia nhỏ trong các tri thức đơn lẻ mà
họ không biết rằng, tất cả các thành tựu đều nằm trong các tổng quát về cuộc vận chuyển khí trên
toàn cầu. 

Vấn đề biến đổi khí hậu đã cho các nhà khoa học đương đại dự báo sẽ có những cuộc tan chảy
của những vùng cực bắc trái đất, nhưng rõ ràng rằng khi chuyển động của phần cực bắc thì phía
nam sẽ được tiếp nhận tất cả cuộc vận hành. 

Một điều chứng minh rằng tiến trình của loài người đang từng bước đạt đến những bước thành
tựu cao nhất so với từ trước đến nay, ngày một phát triển to lớn. Cuộc vận hành khi trái đất nóng
lên thì nguồn nước của trái đất sẽ bắt đầu chuyển động mà thư động thì hùng đón nhận và ngược
lại. Tiến trình phát triển của nhân loại có liên quan chặt chẽ tới hai cực nam -bắc bởi lẽ khi có
nhân khí thì nước đi tới đâu, khí dẫn tới đó, khí sẽ tụ. Chúng ta sẽ nhìn thấy, khi dân số nhân loại
đạt tới 10 tỷ người thì lượng tan chảy của các vùng giá lạnh sẽ lớn hơn nhiều so với thời điểm
này. Về bản chất, nó chỉ là quy luật biểu lý về tiến trình phát triển của nhân loại.

Chắc chắn một điều, rằng cuộc vận động của tự nhiên chính là cuộc vận động của nhân loại.
Chúng ta sẽ có những thành tựu to lớn hơn so với thời nguyên thuỷ mang tính tất yếu, bởi vì
cũng chưa ai định ra rằng tại sao nhân loại phát triển mà không bị tụt lùi? Sự tụt lùi có thể do
nhiều yếu tố nhưng con người vẫn phát triển theo tiến trình. Nhân loại phát triển là bởi vì nhân

khí lớn thì nhiệt khí tăng lên, nhiệt khí tăng lên sẽ tạo ra các cuộc thư hùng của tự nhiên bởi vì
con người đang thừa hưởng những kết quả của các cuộc thư hùng này. Đây chính là một trong
những yếu tố để chúng ta thu nhỏ lại mô hình thư hùng của toàn nhân loại để đi xuống hệ thống
cấp thoát nước cho một ngành và thu nhỏ lại cuối cùng trong một gia đình.
 
---

## Bàn về cấp thoát nước trong hệ thống kiến trúc của Việt Nam

Chúng ta đều biết các nguồn nước đều xuất hiện từ phương Bắc, chi phối toàn bộ các đầu nguồn.
Ví dụ như Bắc Việt Nam, sông Hồng là một sông chính dẫn từ phía Nam của Trung Quốc dẫn tới
đồng bằng Bắc Bộ và chi phối dần về xuôi. Cứ thế mạch nguồn xuôi về phương Nam. Sông Cửu
Long cũng chạy từ Bắc xuống Nam, từ Tây Tạng xuôi xuống hạ nguồn là các nước Đông Dương
và đổ ra biển ở vị trí miền Nam của đất nước chúng ta. Nếu xét về các phương vị và hình thái thì
thư hùng đều nằm ở hai phương vị Nam - Bắc (hay còn gọi là Ly - Khảm theo thuật ngữ Phong
Thuỷ học) của đất nước chúng ta. Các cấu trúc trên nguyên tắc này phải được ứng dụng thống
nhất chặt chẽ trong tất cả các kiến trúc từ to cho đến nhỏ, bởi khi nước dẫn tới đâu thì khí tụ tới
đó. Cục bộ trong một công trình kiến trúc của một khu vực, chúng ta cũng phải xác định các vị
trí thuộc phương vị Bắc để làm đầu nguồn. Đây là nguồn yếu tố quan trọng bởi vì khi xác định
được Bắc thì tức là sự giao hoà với vị trí tạo nên thế thư hùng của đường nước dẫn vào và thoát
ra sẽ mang một tính thống nhất. Ví dụ trong miền Trung của Việt Nam, cũng phải tìm phương
Bắc của miền Trung để lấy đó làm đầu nguồn, cục bộ chung vùng Tây Bắc của đất nước chúng ta
cũng phải tìm các vị trí của Bắc để làm đầu nguồn. Các vị trí thống nhất trên sẽ tạo thành thế thư
hùng thuận tiện trong các cấu trúc mà văn hoá truyền thống không hình, không thế nhưng người
ta vẫn nhìn thấy sự biểu lý giữa khí và chất mang tính thống nhất. 

Từ những thực tiễn trên, các công trình kiến trúc có lẽ phải tham khảo điều này. Nó có hai lập
luận về mặt khoa học, nếu chúng ta mang tính thống nhất khi thợ sửa nước xây dựng đã đều có
một nguyên tắc thống nhất để tìm nơi bị tắc, bị hỏng và chúng ta sẽ xác định đầu nguồn và cuối
nguồn rất khoa học. 

Thứ hai, trong khoa học truyền thống, chúng ta ít khó khăn lớn khi sự cố về nước nếu kết cấu
tuân thủ nguyên tắc trái phải, trước sau… bởi khi gặp phải thì ông cha ta đã sửa và xử lý rất
nhanh. Họ không mất quá nhiều công sức để đi dò tìm. Họ chỉ cần đặt la bàn tìm được phương
vị, họ đã xác định được đầu nguồn và một điều chắc chắn rằng vào cha ra mẹ, vào trái ra phải,
chúng ta đã từng có khái niệm này. Tức đường vào của khí động sẽ dẫn ra của khí tĩnh, vào trái
ra phải cũng là nguyên tắc, thanh long bạch hổ cũng chỉ trên những nguyên tắc này. Như vậy rõ
ràng thư hùng trong kiến trúc đương đại cũng vẫn cần phải mang tri thức nhất định mà tiền nhân
đã để lại cho chúng ta. Tri thức đương đại cũng cần phải bổ sung từ những tài sản tri thức vô giá
mà tiền nhân đã để lại cho chúng ta sử dụng.
 
---

### Sử dụng nước Thư nước Hùng như thế nào?

Xét hai mặt của vấn đề hay thư hùng của nước thì nước âm nước dương hay nước ngầm, nước
mặt nó chính là nước thư nước hùng. Trong lịch sử của nhân loại, loài người đều sử dụng các
Âm Thủy tức là chúng ta khai thác nước ngầm dưới lòng đất để sử dụng là chủ yếu.

Trong những giai đoạn khác nhau, con người quay vòng sử dụng nước chủ yếu từ nước sông,
suối, nước mưa sang nước ngầm rồi lại quay sang nước mặt.

Những giai đoạn sử dụng nước ngầm là những giai đoạn mà loài người hoàn toàn phù hợp với
thuộc tính Âm nên chưa phát triển tốt. Và chỉ đến khi chúng ta chợt phát hiện thấy rằng nhiều
phức tạp trong khai thác nước ngầm dùng để sinh hoạt, dùng để sản xuất, canh tác..v..v.

Khi chúng ta bắt đầu đã sử dụng nước mặt gồm có sông, nước mưa thì nước đó có thuộc tính
Dương. Nước âm khai thác dưới lòng đất và nước dương trên bề mặt chính là một cặp thư hùng,
chỉ có Thư – Hùng được cấu trúc nguyên vẹn thành 1 cặp thì tất cả mới phát triển.

Đây cũng là quy tắc chung của luật Âm Dương. Và chúng ta đã biết rằng cho đến ngày hôm nay
thế kỉ 21, toàn nhân loại gần như đã sử dụng nước Dương và hạn chế dần sử dụng nước
Âm, và đó cũng chính là các nguyên tắc mà chúng ta sẽ chi tiết để hệ thống hóa các quan điểm
trong vấn đề Thư – Hùng trong vấn đề sử dụng nước.

Cấp và Thoát trong kiến trúc xây dựng của chúng ta cũng là một cặp thư hùng.
Nước tái sử dụng về mặt bản chất chúng ta đang tinh chế bằng sự vận động Hậu Thiên hay nói
đúng hơn là cách cải tạo.

Trong phong thủy học truyền thống của người Việt, người ta đã xác định tài khí là phải thoáng,
sạch. Sự thoáng, sạch đó sẽ chứa đựng được cái nhân khí, tài khí, đức khí, vương khí và quan
khí. Tất cả những điều tốt đẹp nhất mà chúng ta đang muốn phấn đấu tới đó đều nằm trong các
nguyên lý của nước phải sạch. Một sự ngẫu nhiên do người ta có quan niệm về môi trường hoặc
có cả vận khí của 1 vùng, 1 khu vực tốt để vun đúc tạo thành các nhận thức đó thì chúng ta có
một nhận biết rằng các quốc gia nào khi sử dụng các biện pháp để làm sạch nước kể cả nước thải
để trước khi trở lại về nguồn thì những quốc gia đó đều được thừa hưởng những nhân khí, tài
khí, vương khí và quan khí tốt hơn các quốc gia không xử lý vấn đề này.

Một quy trình mang biểu tượng thư hùng là nước phải trải qua các cuộc cải tạo và xử lý khi bị ô
nhiễm. Biến từ nước bẩn thành nước sạch cũng là một cuộc thư hùng.

Chúng ta hãy khoan bàn về ô nhiễm nhưng rõ ràng rằng những quốc gia khi đang thực thi những
công tác, nhiệm vụ này thì đều có những kết quả về cuộc sống tốt đẹp hơn các quốc gia vô thức.
Chúng ta không phải kêu gọi gì, mọi người tự nhận biết rằng khi làm sạch nước thì đầu tiên trong
môi trường chúng ta đã được hưởng những điều tốt lành đó, nhưng cao hơn thế nữa là toàn bộ
những cái không nhìn thấy chúng ta được nhiều hơn, đây là các quan điểm triết học quan trọng
nằm ở sự tinh túy của tri thức Việt mà lẽ ra chúng ta đã phải đưa những vấn đề này ra từ lâu. Nói
tóm tắt lại để tiện so sánh thì quốc gia nào mà có những phương pháp để xử lý nước thải trước
khi trả về nguồn thì quốc gia đó thường phát triển hơn rất nhiều so với những quốc gia mà không
có những nguyên tắc này.

Nước trải qua thư hùng là sự hoàn hảo của sự vận động tự nhiên và thư hùng chính là hai mặt của
sự hoàn thiện của tự nhiên và của cuộc sống.

#quangminhvansu

40 - 1

Quang Minh Vạn Sự
Posted 2 years ago

NƯỚC VÀ CÁC YẾU TỐ DỰ BÁO VỀ NƯỚC NĂM QUÝ MÃO 2023

Nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông
Nguyễn Quang Minh

👉 Xem tại: quangminhphongthuy.com/nuoc-va-cac-yeu-to-du-bao-v…

Trong canh tác nông nghiệp, yếu tố dự báo thời tiết đóng vai trò gần như quyết định sống còn cho nền kinh tế của đất nước suốt 4.000 năm qua. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Nguyễn Quang Minh đưa ra những lưu ý về tổng kết của người xưa khi dự báo rằng, năm Quý Mão 2023 là một năm lạnh, năm bất cập vận khí thuộc Hỏa nhưng tính của Thủy khí có tầm ảnh hưởng lớn trong suốt 4 mùa.

Khí hóa của năm 2023 là Hỏa, thuộc tính của lửa và Mặt Trời, thuộc nóng nhiệt. Tuy nhiên, đây là một năm bất cập do khí Thủy bao trùm toàn bộ bốn mùa trong năm 2023.

Trong canh tác nông nghiệp, yếu tố dự báo thời tiết đóng vai trò gần như quyết định sống còn cho nền kinh tế của đất nước suốt 4.000 năm qua. Việc xem xét các khía cạnh còn phải nhìn nhận ở góc độ toàn cầu. Tuy nhiên, về mặt thời tiết, mặt tiết khí, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến Thủy, Hỏa thì năm 2023 là một năm ẩm thấp, nhiều mưa gió.

Từ các yếu tố trên, người ta xác định được 2023 sẽ là một năm lạnh hàn, giá buốt. Trong năm đó, những ai mắc bệnh tim mạch thì việc chữa trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để chữa được bệnh thì họ phải chọn ngày giờ tương ứng, thích hợp. Bởi theo luật tương ứng của Ngũ Hành, vào những năm thuộc hành Thủy, việc chữa trị bệnh về tim mạch cần có một vốn kiến thức sâu sắc.

Từ những đánh giá đó, ta có thể kết luận được rằng 4.000 năm trước, người xưa cũng đã có thể biết được rằng, năm Quý Mão 2023 của tiểu vận chín, hạ nguyên 28 là một năm lạnh. Tương tự, chúng ta cũng có thể dự đoán thời tiết của 2.000 năm sau do các quy luật đã được lặp lại một cách tự nhiên. Trên cái cơ sở đó, việc chọn lọc thông tin về Thủy khí là vô cùng quan trọng. Họ phải chuẩn bị mương, máng để chống úng, lụt, sạt lở khi xây dựng, tôn tạo lại nền móng. Một số kinh đô khi di chuyển sẽ tránh những năm hàn khí mà chọn những năm có tiết khí khô ráo.

Việc thứ hai, đây là một năm nhiều khó khăn về thực tiễn, phân tích bởi đây là năm cuối cùng của tiểu vận tám. Thông thường, những năm chuyển tiếp của tiểu vận thì vạn vật đều gặp nhiều khó khăn. Năm 2023 là một năm Phục Minh, tức là ánh sáng của Mặt Trời không thăng lên được, nhiệt không bốc lên mà giáng xuống, Thủy khí khi đó sẽ được đưa lên. Trong khi, Thủy khắc Hỏa, vạn vật có thể trông thấy có sản lượng nhưng kết quả sẽ không có.

Về các đánh giá căn cứ theo nước năm 2023, hay còn gọi chung là Thủy, đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng ta cần xem xét kỹ bởi tất cả các năng lực của con người trong vấn đề làm ăn đạt được kết quả cuối cùng là tiền bạc, thành tựu đều có liên quan tới những yếu tố này.

Thông thường, vào cuối năm, người ta thường dùng nguyên khí thứ hai, tức là mẹ của nước, vôi bột có màu trắng thuộc Kim, mà Kim sinh ra Thủy cho nên Kim được gọi là mẹ của Thủy. Bốn tháng cuối năm thuộc Bắc, Bắc tượng trưng cho Thủy nên mới thường có tập tục mua vôi vào cuối năm. Tuy nhiên, Thủy thái quá sẽ dẫn đến nhiều bất cập, do vậy, cuối năm 2022 này, ta không nên sử dụng các yếu tố kích hoạt nguyên khí để tạo thêm nước nữa, nếu không sẽ dẫn đến mất cân bằng giữa nước và đất, từ đó sẽ xảy ra úng lụt, vỡ đê kèm theo các cơn mưa dông và các bệnh tật liên quan đến xương khớp, tim mạch.

Năm Quý Mão 2023, Thái Tuế nằm tại Chính Đông, Tuế Sát nằm tại Tây. Hai vị trí này nằm giữa vị trí gan, phổi và tim. Đây là ba vị trí quan trọng nếu bị xâm lăng vào sẽ dẫn đến sự phức tạp trong thể trạng của mỗi con người và thể trạng của tự nhiên trên bề mặt Trái Đất cũng đang bị xâm lăng vào ba vị trí này. Qua đó, chúng ta thấy được sự bất ổn nhân sự của các quốc gia thuộc đông và tây so Kinh vĩ.

Ngay từ khoảng thời gian Đông Chí cho tới Đại Hàn, tức ngày 21/1 dương lịch của năm 2023, có thể thấy các biến cố của con người trên toàn cầu một mặt nào đó nói lên rằng, có xung đột về tự nhiên của ngày mai là rất rõ rệt.

Vào những năm bất cập, người ta đã phát hiện ra quy luật thứ hai, về mùa màng có thể nhận thấy được mùa, nhưng kết quả đều là các cây lúa lép. Từ đó, cần phải chuẩn bị cho mọi chuyện thông qua các quan trắc về nước của năm, đặc biệt là các năm bất cập mà trong khí hóa thuộc Hỏa nhưng Thủy khí lại bao trùm xuyên suốt năm, tính từ ngày 5/2/2023 dương lịch.

Năm 2023 đặc biệt - với hai tháng nhuận

Phàm trong sáu tháng đầu năm mà có 2 tháng nhuận, người ta biết rằng đáng nhẽ Thủy vật chỉ có một sẽ nhân lên làm hai. Rõ ràng là từng vùng sẽ có khí hậu ẩm, lạnh, hàn sẽ thấm xuống dẫn đến sẽ có nơi có cuồng phong Âm, tức là nước có thể lan tràn nhiều nơi. Nước vật chất và khí hậu lạnh sẽ tạo nên rét buốt thấu xương, tài khí chúng ta có thể chiến thắng lớn nhưng chiến thắng đó có thể phải trả lại cho tự nhiên, kết quả cuối cùng bằng không.

Từ những đánh giá về nước, xét theo yếu tố phong thủy học, đến nước trong tự nhiên và quan điểm triết học đều có thể cho thấy, năm Quý Mão 2023 là năm báo hiệu dù có những dấu hiệu tốt trong công việc nhưng kết quả cuối cùng không cao. Đây có thể là một tham khảo cho các nhà đầu tư, những nhà nghiên cứu có điều chỉnh trong công việc theo những dự báo này.

Ngành nghề phải đặc biệt chú ý

Ngành Xây dựng cần đặc biệt chú trọng bởi đây là ngành liên quan tới Thổ, mà Thổ và Thủy khắc nhau trong Ngũ hành. Trong thực tiễn, việc xây dựng mà gặp mưa gió không thể thi công được.

Tiếp đến, các ngành sản xuất thép và nhiệt luyện cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng do yếu tố Thủy khắc Hỏa. Cuối cùng, có thể xét đến Kim sinh Thủy nhưng nếu Thủy thái quá có thể dẫn đến nhiều bất cập.

Trong năm tới, tài chính, chứng khoán có thể phát triển mạnh nhưng do tính bất cập thành ra có thể do trượt giá mà thắng chứ không phải do tự thân chiến thắng. Kết quả cuối cùng cũng sẽ chỉ có thể cao trên mức trung bình nên cần phải xem xét cẩn thận các yếu tố bất cập có thể ảnh hưởng. Vì vậy, chúng ta cần phải nỗ lực rất cao mới có thể duy trì sự cân bằng phát triển của nền kinh tế.

Ngành sản xuất ống Nhựa

Ngành này năm 2023 sẽ rất phát triển bởi đây là năm Nhất Long Trị Thủy, mưa gió, bão nhiều, việc tiêu thụ sản phẩm ống dẫn nước sẽ gia tăng. Thuộc tính của ống nhựa cũng chính là một con rồng thẳng dẫn nước. Cho nên, đây được dự báo sẽ là một trong số những mặt hàng bán chạy trong năm 2023 và giá thành của sản phẩm này trong năm tới có thể sẽ tăng mạnh. Đây là những dự báo có thể tính được khi vận dụng tri thức đúc kết từ hàng nghìn năm của cha ông ta.

Ngoài ra, năm 2023 là năm có nhiều bất cập bởi khối lượng của nước tăng, dẫn tới khối lượng công việc cũng tăng theo. Nếu không có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ thì ta sẽ không kịp ứng phó. Do vậy, công tác dự báo này là một phần trong văn hóa truyền thống để từ đó, ta có thể xem xét các tổng kết của khoa học dự báo hiện đại và tri thức quan sát có hệ thống của tiền nhân để bổ sung cho việc hoàn thiện, đánh giá, lên phương án, kế hoạch cho năm mới.

Người lao động ngành cấp thoát nước cần lưu ý sức khỏe như thế nào?

Năm 2023 là năm khí thuộc hàn, các cán bộ công nhân viên ngành cấp thoát nước khi làm việc trực tiếp với nước phải có ý thức và sự chuẩn bị trước để tránh bị cảm lạnh. Bởi người Á Đông quan niệm rằng, tất cả gốc của bệnh tật đều đến từ gió mà tạo ra các tà khí, trong đó có hàn khí. Do vậy, đối với các công việc tiếp xúc trực tiếp với nước trong năm tới càng cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng hơn.

Ngoài ra, năm 2023 là năm mở ra một tiểu vận mới quản cho 20 năm tới nên việc chuẩn bị trước là vô cùng quan trọng.

Một số lưu ý cần phải được chú trọng như việc cấp-thoát nước không được xử lý tại vị trí chính đông, chính tây, bởi đây là hai vị trí Thái Tuế và Tam Sát. Vị trí cuối cùng không tạo thuận lợi cho ngành này là vị trí tây bắc. Mặc dù đây là vị trí tương sinh ra nước nhưng đây cũng là góc của khí trường vũ trụ, được gọi là Ngũ Hoàng Thổ đóng tại đây. Do vậy, 3 vị trí này nếu như trong trường hợp buộc phải hoạt động thì ta phải rất cẩn thận, hạn chế gây động ở mức cao nhất mới có thể giảm thiểu tác hại ảnh hưởng.

Ngoài ra, công nhân viên trong ngành này nên mặc trang phục có màu xanh coban để trung hòa khí âm, giảm thiểu tác động xấu liên quan đến sức khỏe gặp phải trong quá trình công tác.

Năm Quý Mão 2023, nếu tính về mặt khí của Vận Khí, thì khí thuộc Hỏa, nhưng bởi đây là năm bất cập, nên Thủy khí lan tràn trong bốn mùa. Dương khí trong cơ thể cũng giống như dương khí trong tự nhiên. Ban ngày, dương khí bên ngoài cơ thể bảo vệ không cho tà khí xâm phạm. Lúc sáng sớm, dương khí trong người bắt đầu đi lên, buổi trưa, dương khí thịnh vượng nhất, đến lúc mặt trời lặn, dương khí dần giảm yếu, lỗ chân lông cũng theo đó mà đóng lại.

Vì vậy, để cho dương khí được thu liệm, lúc trời tối, ta không nên hoạt động nhiều ngoài trời, cũng không nên ở ngoài sương giá. Hoạt động của con người lúc này dễ khiến cho tà khí xâm nhập gây nhiều bệnh tật, khiến thân thể tiều tụy, suy nhược.

Giữa dương khí và âm tinh vừa có sự khác biệt, lại có sự liên hệ chặt chẽ với nhau. Đặc điểm công năng của âm tinh là tàng trữ ở bên trong nhưng nó là nguồn vật chất không ngừng chi viện cho dương khí ở bên ngoài. Đặc điểm công năng của dương khí là bảo vệ bề mặt cơ thể, nhưng đồng thời, cũng bảo vệ âm tinh, khiến âm tinh không bị tổn thất, rò rỉ.

Ngoài ra, giữa âm và dương còn có thể khống chế lẫn nhau. Nếu âm khí không chế ước được dương khí, để dương khí quá thịnh sẽ ảnh hưởng đến tim và dạ dày, còn có thể dẫn đến phát cuồng. Ngược lại, nếu dương khí không chế ngự được âm khí sẽ làm khí của ngũ tạng mất cân bằng, dẫn đến cựu khiếu bị tắc trở. Vì vậy, người tinh thông nguyên lý y học còn phải giỏi dưỡng sinh mới có thể cân bằng điều hòa âm dương, như vậy cơ thể mới đạt được gân mạch thoải mái, cốt thủy cứng cáp, sức khỏe lâu bền.

Đó là những tổng kết ta cần lưu ý trong những năm bất cập vận khí thuộc Hỏa nhưng tính của Thủy khí có tầm ảnh hưởng lớn trong suốt 4 mùa.

177 - 1