THE DAILY STOIC - STOIC HẰNG NGÀY, BẢN MỚI 2022. CHIÊM NGHIỆM VỀ TRÍ TUỆ, LÒNG CAN TRƯỜNG VÀ NGHỆ THUẬT SỐNG

17 videos • 9,858 views • by Trở Lại Làm Người CÁC CHIÊM NGHIỆM VỀ TRÍ TUỆ, LÒNG CAN TRƯỜNG VÀ NGHỆ THUẬT SỐNG TRONG 366 NGÀY. Sách nói The Daily Stoic Tiếng Việt bản mới 2022 là hàng của KeoDau.net thực hiện. Sách sẽ chỉ có bản trên youtube và ebook. Chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) là một trường phái triết học được Zeno xứ Citium sáng lập ở Athens vào đầu thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Tên của nó có nguồn gốc từ từ stoa trong tiếng Hy Lạp, chỉ lối đi có mái che với những cây cột cao, nơi Zeno đã giảng dạy những học trò đầu tiên của mình. Triết lý này khẳng định rằng, đạo đức (chủ yếu là bốn đạo đức cơ bản gồm sự tự chủ, dũng cảm, công bằng và khôn ngoan) là hạnh phúc, và chính nhận thức của chúng ta về mọi việc – chứ không phải bản thân sự việc – là nguyên nhân gây ra hầu hết các rắc rối của chúng ta. Theo chủ nghĩa khắc kỷ, chúng ta không thể kiểm soát hoặc dựa vào bất cứ điều gì, ngoài thứ mà Epictetus gọi là “lựa chọn lý trí” của chúng ta – tức khả năng sử dụng lý trí để chọn cách chúng ta phân loại, phản hồi và định hướng bản thân trước các sự kiện bên ngoài. Chủ nghĩa khắc kỷ sơ khai gần với một triết học toàn diện, cũng giống như các trường phái cổ điển khác với những cái tên khá quen thuộc: chủ nghĩa Epicurus, chủ nghĩa khuyển nho, chủ nghĩa Plato, chủ nghĩa hoài nghi. Những người ủng hộ chủ nghĩa đã trình bày về nhiều chủ đề đa dạng, bao gồm vật lý, logic, vũ trụ học và nhiều chủ đề khác. Các nhà khắc kỷ thích sử dụng hình ảnh cánh đồng màu mỡ để mô tả triết học của mình. Logic là hàng rào bảo vệ, vật lý là cánh đồng, và vụ mùa họ thu được là đạo đức – hay lối sống. Tuy nhiên, khi chủ nghĩa khắc kỷ phát triển, nó chủ yếu tập trung vào hai trong số các chủ đề trên – logic và đạo đức. Từ Hy Lạp đến La Mã, chủ nghĩa khắc kỷ đã trở nên thực dụng hơn nhiều để phù hợp với cuộc sống năng động, thực tế của những người La Mã cần cù. Như Marcus Aurelius sau này nhận xét, “Tôi thật may mắn khi trao gửi trái tim mình cho triết học để không rơi vào cái bẫy của kẻ ngụy biện, để không chỉ ngồi bàn giấy, không cãi vã phi logic, hay mải mê nghiên cứu các thiên đường.” Thay vào đó, ông (và Epictetus, cũng như Seneca) tập trung vào một loạt câu hỏi không khác gì những câu hỏi mà chúng ta vẫn tự chiêm nghiệm ngày nay: “Làm sao để sống tốt nhất?”, “Tôi phải làm gì với cơn tức giận của mình?”, “Nghĩa vụ của tôi đối với đồng loại là gì?”, “Tôi sợ chết, tại sao vậy?”, “Làm thế nào tôi có thể đối phó với những tình huống khó khăn?”, “Tôi nên làm gì với thành công và quyền lực mà mình đang nắm giữ?”… Đây không phải là những câu hỏi trừu tượng. Trong các văn bản họ để lại – thường là thư riêng hoặc nhật ký, cũng như trong các bài giảng của họ, các nhà khắc kỷ đã phải chật vật đưa ra những câu trả lời thực tế, hữu dụng. Cuối cùng, họ gói gọn tác phẩm của mình xung quanh các bài tập về ba kỷ luật quan trọng: • Kỷ luật nhận thức (cách chúng ta quan sát và nhìn nhận thế giới xung quanh) • Kỷ luật hành động (những quyết định và hành động mà chúng ta thực hiện – và kết quả là gì) • Kỷ luật ý chí (cách chúng ta đối phó với những điều chúng ta không thể thay đổi, đưa ra đánh giá rõ ràng và thuyết phục, cũng như hiểu đúng về vị trí của chúng ta trong thế giới này) Bằng cách kiểm soát nhận thức của mình, các nhà khắc kỷ cho chúng ta biết, tinh thần của ta sẽ được khai tỏ. Chúng ta có thể chỉ đạo các hành động của bản thân một cách đúng đắn và hợp lý. Khi điều chỉnh và chỉ đạo ý chí của mình, chúng ta sẽ tìm ra trí tuệ và tầm nhìn để xử lý bất kỳ chướng ngại nào mà cuộc sống đặt ra trước mắt chúng ta. Họ tin rằng, bằng cách củng cố bản thân và đồng bào của mình dựa theo những kỷ luật này, họ có thể gieo mầm sự kiên cường, tính mục đích và thậm chí cả niềm vui trong mỗi con người. Ra đời trong thế giới cổ đại đầy biến động, chủ nghĩa khắc kỷ hướng tới bản chất không thể đoán trước của cuộc sống thường nhật và đề ra một bộ công cụ thiết thực mà chúng ta có thể sử dụng mỗi ngày. Thế giới hiện đại của chúng ta có vẻ không hề giống Stoa Poikilê – lối đi với những cây cột cao – của Athens, và cũng rất khác với Công trường và Tòa án tối cao của Rome. Nhưng những nhà khắc kỷ đã rất nỗ lực để tự nhắc nhở bản thân (xem ngày 10 tháng Mười một), rằng họ không phải đối mặt với điều gì quá khác biệt so với tổ tiên của họ, và tương lai sẽ không thay đổi triệt để bản chất của con người. Một ngày giống như mọi ngày, như nhà khắc kỷ thường nói. Và điều đó vẫn đúng cho đến ngày nay. Điều đó dẫn lối chúng ta tới đây, ngay lúc này.